Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua, một trong những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030 là hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra hiện nay, Bộ Tài chính đã, đang tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số nhằm xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Bộ Tài chính là Bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành từ năm 2018.
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thực tế ảo, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới tài chính số. Xây dựng các nền tảng quản trị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ theo định hướng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh.
Nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và các hệ thống liên quan thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS) góp phần hình thành kho bạc số vào năm 2030.
Song song với đó là đẩy mạnh và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng dự trữ quốc gia; tin học hóa quy trình, nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia…
Đến nay, ngành Tài chính đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2020, Bộ Tài chính là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm (DTI 2020) ở khối cấp bộ cung cấp DVCTT. Bộ Tài chính cũng 8 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành Tài chính còn gắn liền với việc duy trì, phát triển các nền tảng hạ tầng, kỹ thuật công nghệ, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin tài chính quốc gia.
Việc hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp thông qua các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cũng được triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Có thể nói, ngành Tài chính đã cơ bản xây dựng được các điều kiện cần thiết và đã đặt những “viên gạch” đầu tiên cho việc thực hiện chuyển đổi số, tiến tới hoàn thành mục tiêu “thiết lập nền tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch” vào năm 2025.