Tôi không sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Phú Thọ, nhưng đã sống và làm việc gắn bó với mảnh đất này từ khi tốt nghiệp trường Vật giá Trung ương. Tôi được trường điều động về công tác tại phòng Nghiệp vụ, Ủy ban Vật Giá nhà nước tỉnh Vĩnh Phú.
40 năm qua, nhiều kỷ niệm sâu sắc đã đến với tôi, tôi đã từng biết, từng làm việc và sống cùng nhiều người. Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên, đặc biệt là những năm đầu 80 của thế kỷ trước với những vấn đề về “Giá–lương-tiền”
Hồi ấy, 1983-1985, những năm cuối của thời kỳ bao cấp thật khó khăn về đời sống vật chất, tiền lương người lao động thấp, nhà nước thực hiện bù giá vào lương, giá cả tăng, lạm phát, nhà nước thực hiện chính sách cải cách tiền tệ (đổi tiền)…
Giai đoạn này, cả nước đang thực hiện phương án cải tiến lương; với tinh thần lương mới, giá các mặt hàng thiết yếu phải sát giá thị trường. Ngân
sách nhà nước dự định khi áp dụng lương mới phải tăng thêm trên 60 tỷ đồng; trong đó 3 phần 4 tiền tăng vào thang, bậc lương, còn lại là các khoản chạy theo lương và đông con ăn theo. Nhà nước điều chỉnh lại giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn vật tư, điều chỉnh lại tỷ giá hàng nhập; sửa đổi chế độ Thu quốc doanh, Khấu hao tài sản, Khung lợi nhuận định mức…
Nhiệm vụ của chúng tôi (ngành Giá lúc bấy giờ) trước mắt phải tập trung nghiên cứu giá bán buôn xí nghiệp mà trực tiếp là giá thành hợp lý trong phương án giá; xây dựng phương án giá với phương châm thực hiện bù giá vào lương sau khi đã thực hiện thí điểm ở một số đơn vị và nay nhân rộng áp dụng đồng loạt các đơn vị trong tỉnh. Trách nhiệm, công việc lớn lao tỉnh giao cho ngành Giá phải xây dựng tất cả các phương án giá của các ngành sản xuất trong tỉnh từ các doanh nghiệp quốc doanh các ngành: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng… đến các HTX tiểu thủ công nghiệp. Căn cứ giá thành, giá bán đang áp dụng, giá thị trường để xác định hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh, phát triển, tồn tại của doanh nghiệp. Các mặt hàng thực hiện bù giá vào lương gồm các mặt hàng định lượng hàng tháng: cho người lao động (9 mặt hàng: Gạo tẻ, Thịt lợn, Cá tươi, Đường, Chất đốt, Vải mặc, Nước mắm, Xà phòng, Mì chính); cho người ăn theo (5 mặt hàng: Gạo tẻ, Thịt lợn, Đường, Chất đốt, Vải mặc) và các mặt hàng không định lượng tính định mức cho một cán bộ trong năm, gồm : Chiếu cói 0,8 m ( 4 người), Ni lon đi mưa (4 người); Lốp xe đạp (2 người); Xăm xe đạp (2 người); Phích nước 1,5 lít (20 người); Quạt bàn (75 người). Phương án tính bù giá tính 1 người lao động tỉnh Vĩnh Phú đã tính 1 lao động cộng 1 người ăn theo bình quân lúc đó là: 22.347,5 đồng một năm. Thời buổi thật khó khăn, ngân sách hạn hẹp, hàng hóa thiếu thốn, cứ theo mặt hàng không định lượng tính cho một lao động thì thời gian sử dụng 1 chiếc chiếu cói đơn, 1 mảnh áo đi mưa là 4 năm; Xăm, Lốp xe đạp là 2 năm; Phích nước: 20 năm; Quạt bàn: 75 năm, so với bây giờ quá khác xa: hàng hóa nhiều, chủng loại phong phú, chúng ta cảm thấy mừng vì đổi mới, vì kinh tế phát triển.
Khi tập trung phương án cải tiến tiền lương, tỉnh Vĩnh Phú đứng trước một thực tế khó khăn về tiền, hàng; với một tỉnh nghèo, phát triển nông, lâm nghiệp là chủ yếu, công nghiệp, xây dựng thì lạc hậu, chậm phát triển; thương nghiệp, ngoại thương thiếu vốn kinh doanh, chủ yếu phục vụ hàng thiết yếu, xuất khẩu trả nợ nước ngoài. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Tài chính và các ngành tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
“Tính tổng quỹ lương tăng lên sau khi thực hiện bù giá; xác định lại mức thu cho từng ngành sản xuất; rà soát chế độ, chính sách để kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp với cơ chế chính sách mới; thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách, ổn định giá cả, tăng cường quản lý thị trường, nắm hàng hóa, tăng cường vòng quay vốn, thực hiện bù giá từ 5 đến 7% quỹ lương”.
Tại Hội nghị UBND tỉnh nghe Ủy ban Vật giá tỉnh trình bày phương án khoán “Bù giá vào lương” cho xí nghiệp quốc doanh, Đại diện ngành Tài chính đề xuất: “Về phương pháp và nguyên tắc bù giá, phải coi đó như lương, nhưng vấn đề cơ bản phải xác định lại định mức. Nước ta đã có thời kỳ dong công, phóng điểm, định mức xây dựng chủ yếu lao động thủ công hoặc bán cơ khí, trình độ lạc hậu. Thực hiện phương án khoán bù giá vào lương có tác dụng khuyến khích người lao động quan tâm đến lao động vì bảo đảm thu nhập cao khi người lao động có năng suất lao động cao, tức là thực sự phân phối theo lao động ( có lao động như nhau thì hưởng thu nhập bằng nhau). Tuy nhiên trong điều kiện lúc bấy giờ việc chuyển tiền lương từ trả lương bằng hiện vật sang trả lương bằng tiền là một hình thức chuyển hóa nên quan điểm của tỉnh cần giữ nguyên hiện trạng”.
Tôi được tham gia xây dựng phương án tính “Bù giá vào lương” tại hai đơn vị doanh nghiệp mũi nhọn của tỉnh khi ấy, đại diện cho hai ngành sản xuất chính của tỉnh đó là: Ngành Công nghiệp và Nông nghiệp, gồm: Xí nghiệp Thực phẩm Phú Thọ ( Trụ sở đặt tại Thị xã Phú Thọ), thuộc Sở Công nghiệp Vĩnh Phú và Nông trường Quốc doanh Yên Sơn ( Trụ sở đặt tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn) thuộc Sở Nông nghiệp Vĩnh Phú . Công việc chúng tôi khá bận rộn, thực hiện xây dựng phương án giá làm cơ sở trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định, quy định giá hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Vật Giá nhà nước tỉnh ban hành theo phân cấp. Khi đó mọi sản phẩm trong tỉnh sản xuất đều do nhà nước quy định giá, từ giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá thu mua nông sản, giá bán hàng tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, đến tỷ lệ: “Chiết khấu” “Thặng số”; “Lãi định mức”; “Thu Quốc doanh”; “Định mức lao động”; “Định mức vật tư”; “Định mức hao hụt vật tư, sản phẩm”… tất cả mọi thứ liên quan phương án giá đều do nhà nước quy định.
Tính toán giá sản phẩm theo phương án “Giá-lương-tiền”; nhà nước đưa đủ “Bù giá vào lương” để xác định giá bán sản phẩm theo cơ chế không bao cấp, nhằm thăm dò khả năng chấp nhận của thị trường với sản phẩm doanh nghiệp sản xuất. Bước đột phá đổi mới chính sách kinh tế của nước ta đã có những manh nha từ đó, chuyển dần sang giai đoạn “Đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy” trong những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, để chuẩn bị bước vào nền kinh tế thị trường. Và rồi phương án giá chúng tôi tính ra: Giá thành, giá bán sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh sản xuất quá cao, nhưng chất lượng sản phẩm chưa tốt, không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng , doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng, thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, chậm đổi mới kỹ thuật, dẫn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng thua lỗ, nhà nước phải thực hiện giải thể và Xí nghiệp Thực phẩm Phú Thọ là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh rơi vào hoàn cảnh ấy.
Khác hẳn Xí nghiệp Thực phẩm Phú Thọ, Nông trường Quốc doanh Yên Sơn sau khi xây dựng phương án “Bù giá” đã mạnh dạn nhận phương án khoán thí điểm theo phương án của tỉnh. Sản phầm của Nông trường chủ yếu là Chè khô sơ chế xuất khẩu trả nợ sang Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu trong hệ thống XHCN. Nhờ vậy doanh nghiệp đã đứng vững được khi “chuyển mình” từ cơ chế “Tập trung, bao cấp” sang cơ chế kinh tế thị trường do nhà nước quản lý theo định hướng XHCN.
Nhớ lại những ngày này, gần 40 năm về trước, giữa lúc sôi động “Giá-lương-tiền” là thế, ngành Tài chính Vĩnh Phú tổ chức kỷ niệm 40 năm ngành tài chính Việt Nam (28/8/1945-28/8/1985). Ngành đã mời các nhạc sĩ Trung ương sáng tác các tác phẩm văn hóa, văn nghệ về ngành và tổ chức hội thi văn nghệ tại Hội trường Ngoại Vụ (Hội trường UBND tỉnh). Rất nhiều tiết mục đặc sắc đã được thể hiện thành công. Nổi bật là các nhạc phẩm do nhóm Nghệ sĩ Tân Huyền đã sáng tác gồm: Bài hát “Người giữ Chìa khóa Vàng”; “Tìm M” và vở kịch “Câu chuyện vui ở Trạm Thuế chúng tôi”. Người biểu diễn không ai xa lạ mà chính là cán bộ ngành Tài chính từ tỉnh, đến huyện, những người hàng ngày chỉ quen cầm bút, lấy con số làm niềm vui; khi đó, hệ thống Kho Bạc, Thuế chưa tách ra như ngày nay. Các nhạc sĩ được đi thâm nhập thực tế khắp các vùng trong tỉnh Vĩnh Phú: Từ “đồng Xanh Thanh Hòa đến đồng Vàng Vĩnh Lạc” được đi vào lời bài hát. Các Tác phẩm văn nghệ viết về ngành Tài chính lúc đó sáng tác, đại diện cho các lĩnh vực then chốt của ngành: Tài chính-Ngân sách (Tìm M); Kho Bạc (Người giữ Chìa khóa Vàng); Thuế (Câu chuyện vui ở Trạm Thuế chúng tôi).
Những người cán bộ ngành Tài chính khi đó luôn có suy nghĩ không ngại vất vả, gian khổ khi đi khai thác nguồn thu cho ngân sách để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội tại địa phương. Làm thuế vất vả, nhưng luôn lạc quan, vui vẻ, hòa đồng, thương cảm với người nộp thuế; phải tôn trọng người nộp thuế, coi người nộp thuế là bạn; người nộp thuế đang thực hiện nghĩa vụ cao cả với đất nước, tiền thuế thu để góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước, để chăm lo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đó là nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tinh thần đó đã được các nhạc sỹ chuyên nghiệp sáng tác với sự thể hiện tài tình, khéo léo, hóm hỉnh và đầy ý nghĩa của người cán bộ Thuế, những diễn viên “không chuyên” qua vở kịch: “Câu chuyện vui ở Trạm Thuế chúng tôi”
Và đây, một chính sách Tài chính thu ngân sách khác lúc bấy giờ được các cán bộ Thu quốc doanh rất quan tâm, đó là Thu Lợi nhuận của doanh nghiệp Quốc doanh, đã được các Nhạc sĩ đưa vào “tiêu đề” và thổi hồn vào lời bài hát một cách nhẹ nhàng, bay bổng: “ Tìm M” ; M là E..M…EM, có nghĩa “tìm M”; “m” là ký hiệu giá trị thặng dư trong công thức giá trị hàng hóa: C+V+M trong Kinh tế-Chính trị Mác-Lênin. Người cán bộ Thu quốc doanh phải biết khai thác thu, không có nghĩa là “tát cạn, bắt lấy”. Nhà nước thu Ngân sách, đồng thời cũng có chính sách đầu tư trở lại (Chi ngân sách như đầu tư trang bị máy móc, khoa học kỹ thuật, giống mới, hợp lý hóa sản xuất…) cho sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, thu được nhiều Lợi nhuận (hay còn gọi là giá trị thặng dư). Có như vậy kinh tế mới phát triển, thu ngân sách mới gia tăng và bền vững được. Người cán bộ làm công tác giá lúc bấy giờ cũng phải biết linh hoạt, sử dụng đòn bẩy giá cả để tác động đến cung, cầu hàng hóa, khuyến khích sản xuất hay hạn chế tiêu dùng cũng cần có chính sách giá mềm dẻo, nhanh nhạy.
“ Tìm em suốt cuộc đời, tìm em suốt nơi nơi, tìm em trên đất ruộng đất đồi…..”. Ngày nay, ý nghĩa câu hát vẫn còn nguyên giá trị của nó. Các khoản thu từ thuế vẫn là nguồn thu chính, trong đó Thuế Thu nhập Doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân (có được chủ yếu từ Lợi nhuận- hay gọi là m) ngày càng tăng lên trong cơ cấu thu, chứng tỏ nền kinh tế nước ta nói chung và Phú Thọ nói riêng càng ngày càng khởi sắc.
Công tác quản lý “Quỹ ngân sách” lúc bấy giờ do những người cán bộ Tài chính đảm nhận. “Người giữ Chìa khóa Vàng” đã được các Nhạc sỹ đề cập và càng khẳng định rõ vai trò, trọng trách trong quản lý thu, chi ngân sách. Bài hát “Người giữ Chìa khóa Vàng” đã được các cán bộ ngành Tài chính biểu diễn truyền cảm và ấn tượng sâu sắc đối với tôi cho đến bây giờ.
Nhớ lại ngày ấy “ Giá-lương-tiền” và những kỷ dịp kỷ niệm sâu sắc, khó quên trong dịp kỷ niệm 40 năm ngành tài chính Việt Nam (năm 1985), tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, xao xuyến, “cái buổi năm nào thuở ấy”, không khí sôi động, lòng nhiệt huyết đang độ tuổi thanh xuân. Thử hỏi, những ai đã từng sống, công tác thời ấy mà không ghi sâu dấu ấn “ Giá-lương-tiền”, thất bại có, thành công có; theo tôi đó là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt, đất nước ta dám mạnh dạn bước vào để tìm tòi cái mới, trải nghiệm, thử nghiệm, vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó có những bước đi vững chắc, “được thay da, đổi thịt” và đổi mới sâu sắc, toàn diện như ngày hôm nay. Xây dựng Phú Thọ: Giầu-đẹp-bền vững với đúng nghĩa với tên gọi của tỉnh.
Trong không khí kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống ngành Giá (06/4/1965-06/4/2023), hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Giá, 80 năm ngành Tài chính Việt Nam, chúng tôi những cán bộ, các thế hệ Tài chính Phú Thọ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành, nguyện sống, học tập, công tác tốt, tích cực rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức văn hóa và lý luận, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, xây dựng ngành Tài chính Phú Thọ phát triển xứng đáng với những thành tích đã đạt được và trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Chính quyền, nhân dân trong tỉnh tin tưởng, giao trọng trách./.
Trần Văn Lưu