Từ những khó khăn vướng mắc thực tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm Chồng chéo, phức tạp
Thời gian qua, căn cứ quy định của Luật NSNN, trên cơ sở tổng hợp quyết toán của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh phê chuẩn và thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương đã được thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương duyệt, Bộ Tài chính đã tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN hàng năm trình Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng trình tự, thời hạn quy định và được các đại biểu Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua với tỷ lệ tán thành cao, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách quốc gia (năm 2018 đạt tỷ lệ 93,17%; năm 2019 là 95,39% và năm 2020 là 90,96%).
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính Báo cáo quyết toán NSNN chậm so với thời hạn quy định, số liệu thay đổi nhiều lần, gây khó khăn cho việc tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN.
Nguyên nhân là do hiện nay, mô hình quản lý ngân sách lồng ghép, quy trình tổng hợp, lập quyết toán NSNN phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách và nhiều cấp dự toán. Ví dụ, với ngân sách Trung ương, một số bộ, cơ quan Trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán (Bộ Quốc phòng có 4 cấp dự toán, Bộ Công an có 3 cấp dự toán…) và có nhiều đơn vị trực thuộc ở các tỉnh, thành phố khác nhau, việc tổng hợp quyết toán NSNN được thực hiện theo thứ tự lần lượt từ ngân sách cấp dưới lên ngân sách cấp trên, nên mất rất nhiều thời gian, khó đảm bảo thời hạn tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và gửi Bộ Tài chính trước ngày 01/10 năm sau theo quy định.
Đối với ngân sách địa phương, có 3 cấp ngân sách (xã, huyện, tỉnh). Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương được tổng hợp theo thứ tự lần lượt từ cấp xã tới cấp huyện và cấp tỉnh. Ở mỗi cấp ngân sách, HĐND phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê chuẩn rồi gửi cấp trên xem xét, phê duyệt. Như vậy, quy trình tổng hợp báo cáo quyết toán ở các cấp ngân sách địa phương nêu trên vừa chồng chéo, phức tạp vừa mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ ra, hiện nay, mỗi bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác kế toán, quyết toán NSNN thông qua các phần mềm kế toán khác nhau, chưa có sự thống nhất và chưa kết nối liên thông dữ liệu giữa đơn vị dự toán, bộ, ngành, địa phương (các cấp) với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước.
Do vậy, những năm qua, căn cứ số liệu quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn và số liệu quyết toán ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN đều bằng phương pháp thủ công khiến công tác tổng hợp quyết toán NSNN hàng năm mất nhiều thời gian kiểm tra, rà soát số liệu để đảm bảo tính chính xác…
Đặc biệt, một số đơn vị thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và thời gian cho công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác quyết toán tại một số đơn vị rất hạn chế. Thực tế, một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương gửi Bộ Tài chính Báo cáo quyết toán NSNN chậm so với thời gian quy định; mẫu biểu không đúng quy định; số liệu chưa chính xác dẫn đến điều chỉnh, bổ sung nhiều lần gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong việc tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN.
Tăng trách nhiệm của đơn vị liên quan
Bộ Tài chính cho biết, sau khi xin ý kiến của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm.
Theo Bộ Tài chính, các bước của quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo quyết toán NSNN đang được quy định cụ thể tại Luật NSNN năm 2015. Vì vậy, để thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN cần sửa đổi quy định để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp.
Việc sửa đổi các quy định này sẽ giảm sự chồng chéo và tăng tính chủ động, tự chiụ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền với ngân sách của cấp mình trong công tác tổng hợp, lập và phê chuẩn quyết toán NSNN. Cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật NSNN để tăng tính độc lập của các cấp ngân sách. Cụ thể, đối với quyết toán ngân sách địa phương, tại mỗi cấp ngân sách, HĐND họp để xem xét, phê duyệt quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê duyệt. Đối với ngân sách Trung ương, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương. Quốc hội không phê duyệt lại quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND các cấp phê duyệt.
Đồng thời, để giảm sự chồng chéo của các cấp trong việc thẩm định quyết toán và tăng cường trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, cơ quan Tài chính các cấp không thẩm định quyết toán NSNN. Cụ thể, đối với ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I. Đối với quyết toán ngân sách địa phương, cơ quan Tài chính các cấp không thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình. Cơ quan Tài chính cấp tỉnh, huyện không thẩm định quyết toán của ngân sách cấp dưới. Cơ quan Tài chính cấp tỉnh, huyện tổng hợp quyết toán của ngân sách cấp dưới; trong quá trình tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương, trường hợp phát hiện có sai sót, cơ quan Tài chính cấp tỉnh, huyện yêu cầu UBND cấp dưới trình HĐND cùng cấp điều chỉnh lại số liệu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; sửa đổi thời gian thực hiện các bước của quy trình lập, xét duyệt, tổng hợp, trình quyết toán NSNN.
Phòng QLNS
Nguồn: cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính